“Khách hàng nắm lưỡi, doanh nghiệp vàng nắm cán”

0
911

Cú “rơi thẳng đứng” của giá vàng ngày 12/8, đặc biệt là hiện tượng chênh lệch giá mua vào – bán ra doãng rất rộng, đánh dấu sự đứt gãy lớn đầu tiên trong chuỗi leo thang của giá vàng vừa qua.

Doanh nhân Lâm Minh Chánh, Sáng lập trường Quản trị Kinh doanh BizUni, tác giả sách “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam” có những chia sẻ với BizLIVE xoay quanh diễn biến của giá vàng và việc đầu cơ, đầu tư vàng.

CHÊNH GIÁ MUA – BÁN QUÁ LỚN

Ông Lâm Minh Chánh đề cập, khi vàng quay đầu xuống, nhiều người đã kết luận “do Nga công bố có vắc xin Covid-19” nên vàng xuống. Ông Chánh cho rằng đây là một giải thích, mới nghe thì có vẻ rất hợp lý. Ông không biết vacxin Nga có thật sự làm cho giá vàng đang tăng quay đầu giảm mạnh như vậy? Hay đó chỉ là 1 cái cớ để người ta giải thích cho việc đã xảy ra.

“Nghiên cứu lịch sử giá vàng và thông qua 15 năm kinh nghiệm đầu tư vàng, 1 năm làm chủ sàn vàng Vàng thế giới, tôi thấy rằng, trong đợt tăng giá mạnh, vàng sẽ luôn có những cơn sóng giảm giá xen kẽ. Ngược lại khi vàng đi xuống sẽ luôn luôn có những cơn sóng tăng giá xen kẽ. Chính vì thế, ngay cả khi đoán được cơn sóng chính, nhưng hầu như không ai có thể ăn trọn con sóng lớn này của vàng vì bị những con sóng ngược “hù dọa”. Những người đầu cơ may mắn thì thắng được vài giá đã vội vã chốt lời. Những người kinh doanh kém may mắn thì thua nặng vì bị vướng những con sóng ngược”, ông Chánh đúc kết.

Vàng trong nước tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Nhưng có 2 điểm cần chú ý, đó là thời gian tăng giảm không đồng bộ. Có khi giá vàng Việt Nam tăng, giảm theo giá vàng thế giới gần như tức thời, nhưng có khi giá vàng Việt Nam tăng, giảm một vài nhịp so với giá vàng thế giới. Theo chuyên gia Lâm Minh Chánh, tốc độ nhanh chậm này nhằm bảo vệ trạng thái của chủ doanh nghiệp vàng tại Việt Nam.

Điều đáng nói nhất là sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán của vàng Việt Nam quá lớn so với vàng thế giới. Nếu sự chênh lệch giữa giá mua giá bán của giá vàng thế giới chỉ từ 0,05%-0,2% thì sự chênh lệch của giá vàng Việt Nam thông thường là từ 1%-3%. Những lúc biến động, sự chênh lệch này giãn ra 4%-5%, thậm chí lên tới 6%-7%.

Cụ thể, lúc 17 giờ ngày 12/8, SJC yết giá mua vào là 52,56 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 56,38 triệu đồng/lượng, tức chênh lệch 3,82 triệu đồng/lượng, hơn 7%. Đặc biệt vào lúc 13 giờ 38 phút cùng ngày, website giá của SJC không truy cập được. App Giá vàng, lấy giá từ Vietcombank, cho biết giá mua ở mức 47,52 triệu đồng/lượng, giá bán là 52,20 triệu đồng/lượng, tức chênh lệch lên tới 4,68 triệu đồng, gần 10%.

Ông Lâm Minh Chánh cho rằng, đây là mức chênh lệch quá khủng. Khách hàng bị thiệt thòi rất nhiều khi mua bán vàng với sự chênh lệch giá cao như vậy. Giả sử khách hàng mua thì giá vàng phải tăng lên 10% thì khách hàng mới huề vốn. Nếu giá vàng tăng 15% thì khách hàng chỉ được lợi nhuận là 5% trên giá vốn. Nhưng nếu giá vàng giảm 5%, thì khách hàng lỗ 15% trên giá vốn.

giá vàng
“Giá vàng diễn biến rất khó lường. Giá vàng như có mắt vậy.”

“Khách hàng nắm lưỡi, doanh nghiệp vàng nắm cán. Vì thế tôi gọi đây là sự chênh lệch giá rất “hỗn” của vàng trong nước”, ông Chánh nêu quan điểm.

Lý giải về việc này, ông Chánh đánh giá “vì chủ trương cấm “tiền tệ hóa” đối với vàng của Nhà nước nên chỉ có 1 số ít doanh nghiệp có quyền mua bán vàng. Với thế gần như độc quyền đó, các doanh nghiệp vàng Việt Nam có thể khống chế nhịp tăng và độ chênh lệch giá để họ có lợi nhất, và đẩy phần thiệt hại qua cho khách”.

ĐA SỐ NGƯỜI LƯỚT SÓNG VÀNG SẼ THUA LỖ

Nói về xu hướng giá vàng, ông Lâm Minh Chánh nhận định, hầu như không ai dự đoán đúng giá vàng cả. Khi giá vàng đang tăng, thì rất nhiều chuyên gia, nước ngoài và trong nước, dự đoán vàng sẽ tăng lên 2.000 USD/ounce, thậm chí 2.500 USD/ounce. Khi vàng xuống thì các chuyên gia lại tìm lý lẽ giải thích cho sự xuống này. Họ dự đoán sai làm nhiều người tin theo, nhưng họ lại không chịu trách nhiệm nào cho sự dự đoán sai của mình.

“Thật sự thì giá vàng diễn biến rất khó lường. Giá vàng như có mắt vậy. Khi mà không ai ngờ nhất, nó sẽ lên mạnh. Khi mà không ai ngờ nhất, nó sẽ xuống mạnh. Giá vàng không cho ai “ăn dày” thắng đủ cơn sóng. Nhưng lại cho rất nhiều người thua lớn”, ông Chánh nhấn mạnh.

Và theo kinh nghiệm “xương máu” của mình, ông Chánh đưa một số “kịch bản” cho giá vàng.

“Kịch bản 1, sau khi vàng giảm vài cơn làm cho hầu hết mọi người nghỉ rằng vàng sẽ giảm hay lình xình chứ không tăng, thì nó sẽ tăng trở lại, tăng nhanh và mạnh. Kịch bản 2, vàng sẽ rớt giá xuống dưới vùng 1.800 USD/ounce thậm chí sâu hơn. Kịch bản 3, vàng sẽ có những cơn sóng nhỏ, loanh quanh giữa vùng giá 1.800 USD/ounce – 2.000 USD/ounce. Còn kịch bản nào sẽ diễn ra, thì tôi chịu. Nếu tôi đoán đúng thì tôi đã siêu giàu rồi”, ông Chánh cười.

Ông Chánh cũng khuyến cáo nhà đầu tư nên rất thận trọng, không nên dồn hết tiền bạc của mình để lướt sóng, kinh doanh ngắn hạn vàng.

Ông cho biết, đa số mọi người lướt sóng vàng sẽ thua lỗ vì hai lý do. Thứ nhất, do không thật sự dự đoán đúng giá vàng. Nếu dự đoán đúng thì bị những cơn sóng nhỏ “hù dọa” nên trở thành dự đoán sai. Thứ hai, bệnh “thắng nhỏ” nhưng “thua lớn”.

Theo ông Chánh, đây là tâm lý hành vi hết sức phổ biến và lặp đi lặp lại của những người lướt sóng, đầu cơ. Ngoài ra, nếu đầu tư trên sàn thì nhà đầu tư sẽ bị thua nặng nề vì đòn bẩy cao. Còn nếu đầu tư vàng vật chất thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại vì sự chênh lệch giá quá “hỗn” của vàng Việt Nam”, ông Chánh nêu.

“Người dân có thể đầu tư dài hạn vàng với tỷ lệ 5%-10% tài sản của mình. Tối đa là 10% chứ đừng nên cao hơn vì có những tài sản cho tỷ suất lợi nhuận tốt và ít rủi ro hơn vàng, chẳng hạn như cổ phiếu tốt trên sàn chứng khoán”, ông Chánh dẫn lại trong cuốn sách “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam” mà ông viết.

Chia sẻ của Doanh nhân Lâm Minh Chánh, Sáng lập trường Quản trị Kinh doanh BizUni, tác giả sách “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam” trên báo BizLive

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here