Chiến lược đầu tư giá trị nghịch & chủ động

0
680

Tác giả Lâm Minh Chánh, dựa vào cuốn sách Trường phái đầu tư của giáo sư Aswath Damodaran và một số tài liệu khác, đã viết về hai chiến lược đầu tư giá trị khá đặc biệt, đó là chiến lược đầu tư giá trị nghịch (contrarian value investing) và chiến lược đầu tư giá trị chủ động (activist value investing).

Chiến lược đầu tư giá trị nghịch

Chiến lược đầu tư giá trị thông thường tìm kiếm cổ phiếu của những công ty tốt, tức là công ty có tình hình kinh doanh, chỉ số tài chính và quản lý tốt, để mua khi thị giá của chúng thấp hơn giá trị nội tại. Chiến lược đầu tư giá trị nghịch, như tên của nó, đi tìm kiếm cổ phiếu của những công ty xấu, tức là công ty có tình hình kinh doanh, chỉ số tài chính không tốt, quản lý kém, để đầu tư. Bởi vì những người theo chiến lược này tin rằng, thị trường thường phản ứng thái quá với những thông tin, dù tốt hay không tốt của các công ty. Giá cổ phiếu tốt sẽ được đẩy lên quá mức, còn giá cổ phiếu xấu sẽ bị đẩy xuống quá mức. Và sau đó, thị trường sẽ sửa sai bằng cách điều chỉnh giá về mức độ vừa phải, chứ không như theo phản ứng lúc đầu.

Theo giáo sư Damodaran, hiện tượng này xảy ra với cả thị trường (xem thêm bài Trường phái đầu tư theo thông tin trên ĐTCK số ra ngày 11/10) và với từng cổ phiếu riêng lẻ. Các nhà đầu tư giá trị nghịch vì thế tìm mua những cổ phiếu bị thị trường đánh giá là xấu, ngay sau khi thời điểm giá của cổ phiếu bị thị trường đưa xuống thấp, và bán ra khi thị giá được thị trường sửa sai. Tuy vậy, nhà đầu tư giá trị nghịch cũng phải hết sức cẩn thận với những cổ phiếu “quá xấu”. Giá của những cổ phiếu này có khi sẽ xuống luôn mà không điều chỉnh.

Chiến lược đầu tư giá trị chủ động

Đây là chiến lược mua cổ phiếu của các công ty mà giá trị đang bị thấp hơn giá trị cơ bản của nó. Nhà đầu tư chủ động phải mua cổ phiếu với số lượng đủ lớn để có tiếng nói trong việc điều hành công ty nhằm tạo ra sự thay đổi và qua đó làm tăng giá trị hay thị giá của cổ phiếu/công ty. Sau đây là những sự thay đổi mà nhà đầu tư chủ động thường áp dụng:

– Thứ nhất, nếu giá trị công ty thấp hơn giá trị của từng công ty, nhà máy, hay các tài sản riêng lẻ thì nhà đầu tư giá trị chủ động sẽ vận động để tách chúng ra, và cho chúng hoạt động riêng lẻ. Hoặc nhà đầu tư chủ động sẽ “xẻ thịt”, tức là bán theo từng phần riêng lẻ và nhận được nhiều hơn là bán cả công ty một lần.

– Thứ hai, nếu công ty quá cẩn thận, thủ cựu trong việc mượn và sử dụng nợ, thì họ sẽ thúc đẩy tăng tỷ lệ nợ lên mức hợp lý và dùng nợ này để mua lại chính cổ phiếu của mình. Việc này không thay đổi giá trị tài sản, hay các khoản đầu tư, nhưng sẽ thay đổi cán cân nợ/vốn và giá trị cũng như thị giá của cổ phiếu sẽ tăng lên. Một cách làm khác ở Mỹ là công ty có thể đề nghị cho những cổ đông chuyển thành những chủ nợ với giá trị tương đương.

– Thứ ba, nếu công ty đang có quá nhiều tiền mặt, họ sẽ vận động để công ty trả cổ tức cho cổ đông với mức cao hơn bình thường, hay mua lại cổ phiếu của chính công ty. Những động tác này sẽ đẩy thị giá của công ty lên.

– Thứ tư, nếu công ty đang được điều hành quá kém, thì họ sẽ vận động để thay đổi ban điều hành. Nghiên cứu cho thấy, ở thị trường Mỹ, khi ban điều hành được xem là yếu kém được đổi bằng ban điều hành được thị trường tín nhiệm hơn, thì thị giá của công ty sẽ tăng khá nhiều. Dĩ nhiên, giá trị của công ty cũng tăng nhờ vào sự điều hành của ban quản lý mới.

– Thứ năm, nếu giá trị hay thị giá của công ty tăng lên thông qua một vụ sáp nhập nào đó thì nhà đầu tư chủ động sẽ thúc đẩy cho việc đó xảy ra.

Rõ ràng, những nhà đầu tư giá trị theo chiến lược chủ động này có ưu thế hơn những nhà đầu tư giá trị bình thường, đó là họ chủ động tạo ra những xúc tác thay đổi hay còn gọi là những công cụ tạo giá trị. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể là nhà đầu tư giá trị chủ động vì:

– Phải có số vốn khá lớn để mua số cổ phiếu đáng kể. Thực tế cho thấy, các nhà điều hành gần như không lắng nghe những cổ đông nhỏ, mặc dù có thể đó là những ý kiến hết sức xác đáng.

– Phải bỏ rất nhiều thời gian để thảo luận, tranh cãi và “chiến đấu” để thực hiện những sự thay đổi mà mình mong muốn.

– Phải nắm rất rõ về ngành và công ty thì mới biết rõ lý do tại sao giá trị công ty không cao, cần làm gì để đưa giá trị và thị giá của công ty lên. Các nhà đầu tư chỉ làm được điều này với một hay rất ít ngành mà họ là chuyên gia. Điều này làm hạn chế khả năng đa dạng hóa đầu tư của các nhà đầu tư chủ động.

– Những nỗ lực của nhà đầu tư chủ động có thể sẽ bị bẻ gãy bởi các nhà điều hành yếu kém và không có tâm. Cân bằng giữa ưu điểm và khuyết điểm, đầu tư chủ động vẫn là một chiến lược khá phổ biến của các nhà đầu tư lớn. Theo giáo sư Damodaran, bên cạnh chiến lược đầu tư giá trị vào các công ty tốt, có thị giá thấp hơn giá trị nội tại, nhà đầu tư thành công Warren Buffett đôi khi cũng áp dụng chiến lược đầu tư giá trị chủ động này, nhất là vào những năm gần đây.

Theo Lâm Minh Chánh, tác giả Sách Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here