4 ngộ nhận về tài chính cá nhân

0
858

Bạn đã từng nghe đến “tài chính cá nhân” nhưng vẫn chưa hiểu rõ, hay cho rằng người thu nhập chưa cao thì không cần quan tâm đến vấn đề này?

1. Tài chính cá nhân chỉ dành cho những người có tiền

Tài chính cá nhân là một khái niệm đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Nhưng khi nghe đến thuật ngữ này, nhiều người vẫn nghĩ đây là khái niệm dành cho những người sở hữu nhiều tiền của, mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng, sở hữu nhiều thẻ tín dụng hạng mức cao ngất hay có nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Thật ra, tài chính cá nhân chỉ đơn giản là cách bạn quản lý dòng tiền của bản thân một cách hợp lý nhất, nhằm đạt được những mục tiêu tài chính trong cuộc sống. Chính vì thế, điều này rất quan trọng đối với mỗi người, nhất là những đối tượng thường thắc mắc “vì sao tiền mình tiêu đâu hết”. Xin nhấn mạnh lần nữa, tài chính cá nhân là dành cho tất cả mọi người, ngay cả khi bạn chỉ là sinh viên với số tiền vài ba triệu đồng trong tài khoản hay bạn là giám đốc sở hữu số dư lên đến vài trăm triệu đồng. Đó là về việc quản lý tình huống cá nhân, hành động và thái độ của bạn một cách phù hợp nhất cho bạn – cả bây giờ và cho tương lai của bạn.

2. Bạn phải là một thiên tài toán học để giỏi về tài chính cá nhân

Đây là suy nghĩ thường gặp ở nhiều người khi nói đến vấn đề tài chính cá nhân. Thật ra, bạn không cần phải giỏi về toán học như Giáo sư Ngô Bảo Châu để có thể quản lý tài chính cá nhân thành công. Có những người rất giỏi toán, tính nhẩm cực nhanh nhưng tài chính cá nhân của họ chẳng đâu vào đâu. Lại có người tính toán gì cũng phụ thuộc vào máy tính, nhưng kế hoạch tài chính của họ lại rất rõ ràng và đi theo mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn.

Nói một cách khác, bạn không nhất thiết phải giỏi tính toán, mà chỉ cần biết cách liệt kê những nhu cầu bản thân, khả năng kiếm thu nhập hàng tháng để đầu tư và chi tiêu một cách hợp lý là đủ. Với việc tính toán đầu tư hay gửi tiết kiệm ngân hàng, hãy tham khảo bạn bè hoặc nhờ các chuyên viên tài chính tư vấn.

3. Tài chính cá nhân chủ yếu là đầu tư

Đây là một trong những quan niệm sai lầm nhất và rất thường gặp. Thật ra, đầu tư chỉ là một phần trong việc quản lý tài chính cá nhân. Mặt khác, đầu tư cần phải đợi đến thời điểm chín mùi và cần có sẵn một số tiền để thực hiện.

Còn tài chính cá nhân sẽ bao gồm việc lên kế hoạch ngân sách chi tiêu, điều chỉnh chi tiêu để đạt hiệu quả. Và quan trọng nhất là sử dụng số tiền mình kiếm được như một phương tiện, chứ không phải là “nô lệ của đồng tiền”.

4. Căng thẳng với việc quản lý tài chính

Trên thực tế, điều này đúng đối với hầu hết những người bắt đầu vào việc quản lý tài chính cá nhân. Vì gặp vấn đề trong việc sắp xếp, quản lý các nguồn chi tiêu nên bạn thường có tâm lý căng thẳng, không dám mua sắm, sống tiết kiệm, cố gắng kiếm nhiều tiền trong một tháng nhất có thể và quên mất việc hưởng thụ.

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, những người trên 40 tuổi thường căng thẳng và lo lắng nhất về vấn đề tiền bạc. Chính vì thế, bạn hãy bắt đầu quản lý tài chính cá nhân của mình một cách hợp lý ngay từ khi còn trẻ và dẹp bớt nỗi lo đi, vì bạn đang bắt đầu đúng thời điểm rồi!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here