Tiền Của Tôi, Vốn Của Doanh Nghiệp Tôi, Nên Tôi Thoải Mái, Không Lo Về Lãi Suất, Không Chịu Áp Lực Gì Cả?

0
558
Trường hợp, bạn không có tiền bạn đi vay.

** Trường hợp, bạn không có tiền bạn đi vay, thì bạn phải trả lãi vay. Ví dụ lãi suất tiền vay là 9%/năm. Nếu vay để đầu tư thì bạn phải đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn lãi vay thì bạn mới dư ra tiền, mới có lợi. Nếu tỷ suất lợi nhuận thấp hơn lãi vay thì bạn phải dùng tiền của mình bù vào tiền lãi.

Còn nếu vay để tiêu dùng, để sắm tiêu sản thì bạn chỉ nên mua những gì hết sức quan trọng, hết sức cần thiết. Vì khi vay tiêu dùng là ta dùng tiền làm ra được trong tương lai đánh đổi cho nhu cầu mua sắm hiện tại, với giá cao. Nói cao là vì chúng ta không chỉ phải trả tiền nợ gốc mà còn phải trả lãi vay. Vay càng lâu, lãi suất cảng cao thì lãi sinh ra càng nhiều.

Trường hợp bạn có sẵn tiền, bạn không cần phải vay.

** Nhưng trong trường hợp bạn có sẵn tiền, bạn không cần phải vay, thì bạn sẽ có cảm giác được mua sắm, tiêu xài thoải mái hơn, bạn không bị áp lực về Tỷ suất lợi nhuận trong đầu tư.

Bạn nghĩ vậy. Mà không chỉ bạn, rất nhiều người cũng nghĩ như vậy. “Tiền của tôi, nên tôi thoải mái, không lo về lãi suất, không lo áp lực gì cả?!”. Xin thưa với bạn, đây là suy nghĩ SAI. Không phải SAI SAI mà là RẤT SAI.

Tiền của bạn, bạn không cần phải trả lãi suất nhưng bạn hoàn toàn có thể đầu tư để tạo ra lãi, để tiền sinh ra tiền thay vì mua sắm. Như vậy bạn phải cân nhắc giữa sự sung sướng do tiêu xài lúc này đem lại, vs sự tiện nghi, sự độc lập về tài chính do tiền trong tương lai đem đến cho bạn.

Tiền của bạn, nhưng không có nghĩa bạn đầu tư một cách thoải mái, thắng thì vui, thua thì thôi không sao. Số tiền đó bạn có thể gởi ngân hàng, mua chứng chỉ quỹ đầu tư, hoặc đầu tư vào doanh nghiệp. Ví dụ bạn phù hợp với kênh có tỷ suất lợi nhuận 12%/ năm với mức rủi ro tương quan. Tỷ suất lợi nhuận đó người ta gọi là Chi phí Cơ hội. Tiền mà bạn đang có, phải được đầu tư với Tỷ suất lợi nhuận cao hơn Chi phí cơ hội. Nếu thấp hơn, bạn đang “ngược đãi” tiền của mình. Bạn chưa quản lý tiền của mình tốt.

Tiền mà bạn đang có, phải được đầu tư với Tỷ suất lợi nhuận cao hơn Chi phí cơ hội.
Vốn vay và vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp cũng tương tự như vậy.

Để có thể kinh doanh, doanh nghiệp cần có tài sản.

** Nguồn thứ nhất tạo ra tài sản là vốn vay. Doanh nghiệp vay của ngân hàng, vay của tổ chức hay vay của người dân thông qua trái phiếu. Chi phí vốn vay (cost of debt) hầu như ai cũng biết, đó là mức lãi suất doanh nghiệp phải trả ngân hàng, hoặc lãi suất trái phiếu còn gọi là lãi suất coupon mà doanh nghiệp trả cho trái chủ. Nếu doanh nghiệp có nhiều khoản vay, thì lãi suất bình quân sẽ bằng số tiền trả lãi trong năm chia cho bình quân tổng tiền vay.

Chi phí vốn vay thấp hay cao tuỳ theo độ tín nhiệm của doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp niêm yết kinh doanh hiệu quả, có thể vay từ các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam với chi phí vốn vay từ 4% – 6% / năm. Có những doanh nghiệp chưa có uy tín, kinh doanh chưa khởi sắc, phải phát hành trái phiếu các loại thì chi phí vốn vay lên đến 11% – 14%/ năm. Doanh nhân, startup hiểu, biết rõ chi phí lãi vay vì họ phải tạo ra lợi nhuận hay chạy tiền để trả lãi khi đến hạn.

Doanh nhân, startup hiểu, biết rõ chi phí lãi vay vì họ phải tạo ra lợi nhuận hay chạy tiền để trả lãi khi đến hạn.

** Nguồn thứ hai tạo ra tài sản là vốn chủ sở hữu. Vốn này gồm 3 phần chính: vốn cổ phần, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận được doanh nghiệp tạo ra nhưng chưa phân phối cho cổ đông mà giữ lại. (Tôi đã viết bài giải thích cặn kẽ về nội dung này).
Vậy chi phí của vốn chủ sở hữu (cost of equity) là bao nhiêu? Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, là Startup thì hãy tự trả lời trước khi đọc tiếp nhé.


Chi phí vốn chủ sở hữu không thể nào bằng 0% được.

Tôi đã hỏi câu này khi tôi chia sẻ với các bạn học các lớp CEO của group QTvKN, chương trình IPO của SIHUB và nhiều buổi chia sẻ khác.
Có khoảng:
– 5% – 10% trả lời chi phí vốn CSH rất cao.
– 10% – 20%: không trả lời.
– 65% – 80%: trả lời chi phí vốn CSH bằng 0%
Có vài nguyên nhân đưa đến câu trả lời chi phí vốn CSH bằng 0% được đa số các bạn lựa chọn.

Nguyên nhân thứ nhất là họ nghĩ: “Vốn của doanh nghiệp tôi, nên tôi thoải mái, không lo về lãi suất, không chịu áp lực gì cả?!” Họ suy nghĩ y hệt như “bạn” trong ví dụ phía trên. Nguyên nhân thứ hai họ chưa hiểu hết về tài chính doanh nghiệp, về chi phí vốn.
Chi phí vốn CSH không thể nào bằng 0% được.

Các cổ đông, thay vì đầu tư vào doanh nghiệp, họ có thể gởi tiền vào ngân hàng để nhận lãi suất 6%-8% / năm, mà rủi ro lại rất thấp. (Ở Việt Nam gởi tiền vào ngân hàng, rủi ro là cực thấp vì Nhà nước đang “bảo kê”.
Nhà nước có bàn về việc cho phá sản ngân hàng hoạt động yếu kém như các nước kinh tế thị trường vẫn làm, nhưng chưa có dấu hiệu thực hiện).

Cổ đông đầu tư vào doanh nghiệp, rủi ro cao hơn ngân hàng thì họ kỳ vọng phải nhận được tỷ suất lợi nhuận cao hơn ngân hàng.
Có các công thức tài chính để tính chi phí vốn CSH, nhưng nó khá phức tạp. Tôi sẽ cố gắng viết một bài khác, với ngôn ngữ bà ngoại, về nội dung này.

Chi phí vốn CSH của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường Việt Nam, trong vòng 3 năm qua, được các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính xác định trong khoảng 12.5% – 15%/ năm tuỳ doanh nghiệp, tuỳ thời điểm. Mức thấp 12.5% – 13.5% năm là của các doanh nghiệp rủi ro thấp. Mức cao 14% – 15% năm là của các doanh nghiệp rủi ro cao.
Có những doanh nghiệp hoạt động 5,7 năm, nhưng tạo ra tỷ suất lợi nhuận trên vốn CSH (ROE), chỉ ở mức 5% – 6% / năm, thấp hơn nhiều so với chi phí vốn CSH.

Tôi nói với họ, nếu chỉ tính về mặt tài chính, thì bạn đang ngược đãi tiền của bạn. Tiền của bạn có chi phí 14% – 15% một năm, mà bạn chỉ làm ra 5% – 6% / năm, quá thấp so với chi phí vốn CSH. Tính theo chi phí cơ hội của tiền thì bạn đang lỗ vốn. Tính thêm chi phí trí óc, công sức lao động thì bạn lỗ vốn nặng hơn. Bạn phải thoát khỏi tình cảnh này, bằng cách hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn đem lợi nhuận lớn hơn, ROE phải cao hơn chi phí vốn CSH thì mới đáng để sống chết làm chủ doanh nghiệp.

ROE phải cao hơn chi phí vốn CSH thì mới đáng để sống chết làm chủ doanh nghiệp.

Đối với nhà đầu tư chứng khoán cũng vậy, phải chú tâm đến ROE vs chi phí vốn CSH.

Đầu tư ngắn hạn, lướt sóng thì thoải mái, ROE của doanh nghiệp sao cũng được. Miễn mua thấp bán cao là lời thôi. (Mua cao bán thấp thì lỗ).

Đầu tư dài hạn theo kiểu tích luỹ tài sản thì nhất định phải đầu tư vào cổ phiếu / doanh nghiệp có ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn CSH) cao hơn chi phí vốn CSH: 14% – 15%. ROE càng cao càng tốt. Doanh nghiệp mà liên tục có ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn CSH) trong các năm thấp hơn hơn chi phí vốn CSH là không hoàn thành trách nhiệm đối với cổ đông. Nhà đầu tư nên tránh xa.

Tóm lại ROE vs chi phí vốn CSH là tiêu chí rất quan trọng trong lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư dài hạn. Không chỉ thế, DN còn phải thoả các tiêu chí khác như tiềm năng tăng trường, an toàn về tài chính (nợ không quá cao, và có khả năng trả nợ).

Bài này tôi đã cố gắng diễn tả bằng ngôn ngữ bà ngoại. Nhưng chắc còn nhiều thiếu sót.
Các bạn có đóng góp gì, hoặc thắc mắc, hoặc quan tâm đến những bài tương tự hãy comment, tương tác nhé.

Thân ái
Lâm Minh Chánh

———————————-

Bài viết của chuyên gia Tài chính, Tác giả Lâm Minh Chánh, trên website BizUni.vn ngày 22/9/2022: https://bizuni.vn/dau-tu/tien-cua-toi-von-cua-doanh-nghiep-toi-nen-toi-thoai-mai-khong-lo-ve-lai-suat-khong-chiu-ap-luc-gi-ca/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here